1. Phải biến về mới mua được đồ
Tốc Chiến không phải là một game thuần phát triển tối ưu hóa dành cho di động, chính xác hơn là một phiên bản của máy tính chuyển đổi lên. Việc quyết định giữ lại yếu tố phải biến về nhà mới mua được đồ đã ảnh hưởng rất nhiều đến yếu tố cân bằng và gameplay của trò chơi.
Phải biến về mới được mua đồ mặc dù đang hơn lợi thế
Rất nhiều ý kiến của các kì cựu leo rank sau khi chơi thử cả hai phiên bản cho rằng việc biến về mua đồ trên di động sẽ làm mình mất đi lợi thế đang có sẵn. Ví dụ khi bạn hạ gục được đối phương, bạn có lợi thế hơn về kinh nghiệm và vàng. Nếu muốn tiếp tục duy trì quả cầu tuyết, bạn cần biến về nhà mua đồ để có lợi thế hơn (trong khi lúc này đối phương cũng đang lên bảng).
Kết quả là đối phương mặc dù chết nhưng ra đường còn nhanh hơn khi bạn biến về và chả mất nhiều lợi thế mà họ đang có sẵn đợt lính (vì thời gian ra đường và thời gian chết của phiên bản di động ngắn hơn).
2. Thời gian trận đấu dài
Chính bởi yếu tố phải biến về mua đồ dẫn đến quả cầu tuyết không được lăn rõ rệt trong một trận đấu, cộng thêm các yếu tố về cân bằng tướng đã kéo theo thời lượng của một trận đấu quá dài. Theo thống kê của Newzoo, người chơi di động đã quen với thời lượng rơi vào khoảng 10 - 15 phút một hiệp chơi, phù hợp với thời gian giải trí ngắn trong lúc rảnh tay.
Kéo dài hơn 20 phút là chuyện bình thường
Đối với Tốc Chiến, nhiều người chơi phản hồi rằng thời gian một trận đấu thường xuyên bị kéo dài quá mức trung bình 20 phút hay thậm chí hơn, dẫn đến việc chơi game không được trọn vẹn khi bị lố giờ chơi hoặc thà 30 phút thì chơi PC còn sướng tay hơn.
3. Cấu hình máy chuẩn khó đạt và hao pin khi chơi
Mặc dù theo thông báo từ nhà phát triển Riot Games là cấu hình của Tốc Chiến có thể phù hợp với nhiều máy di động trung bình trên thị trường, nhưng đó chỉ là cấu hình tối thiểu để chơi. Nếu chơi ở cấu hình vừa phải, đôi lúc bạn vẫn sẽ cảm thấy bị giật khung hình hoặc thiếu nhiều chi tiết.
Nếu bạn muốn chơi mượt thì phải bật chế độ 60 FPS (khung hình trên giây tối thiểu với đại đa số các game) để có trải nghiệm và điều kiện chơi tốt nhất. Tuy nhiên khi bật chế độ này, nhà sản xuất cũng có thông báo khuyến cáo là dung lượng máy sẽ bị ngốn và hao pin nhanh hơn bình thường.
Cảnh báo nóng máy và hao pin khi bật chế độ 60 FPS
Theo khảo sát của chúng tôi ghi nhận, người chơi dùng Samsung Note 8 bật chế độ 60 FPS chỉ chơi được 2 - 3 game là dung lượng pin chỉ còn 30-40%; còn đối với dòng iphone 7/8 thì chỉ sau 1 - 2 trận đấu là bị nóng máy và hao pin rất nhanh.
4. Trải nghiệm ác mộng dành cho người mới chơi
Người mới chơi ở đây chính là những người lần đầu làm quen với Liên Minh Tốc Chiến, tức họ còn chưa từng chơi Liên Minh Huyền Thoại. Với những người đã từng chơi Liên Minh PC, họ có một hiểu biết quá rộng lớn về bể tướng, cách tướng hoạt động ra sao, combo như thế nào…; đặc biệt là tầm nhìn và cắm mắt, nắm giữ rất nhiều lợi thế.
Hệ thống hiện tại không có phân loại người chơi, ví dụ có thể phân loại ra hai nhóm đã từng chơi Liên Minh hoặc chưa từng chơi Liên Minh, dẫn đến sự chênh lệch trong một trận đấu rất lớn nếu có người mới hoàn toàn tham gia. Đối thủ thì thắng dễ dàng, còn đồng đội thì chịu ức chế rất nhiều. Đó là còn chưa kể việc giao tiếp trong trận đấu rất hạn chế, không có voice chat.
Số lượng nút bấm của Tốc Chiến cũng là ác mộng nếu so sánh với những người hàng xóm Mobile Legend Bang Bang hay Liên Quân Mobile. Tốc Chiến có tổng cộng ít nhất 9 nút bấm trên màn hình, bao gồm: 4 kĩ năng, 1 mắt, 1 đồ đặc biệt kích hoạt, 2 phép bổ trợ, 1 phép biến về; trong khi phần hiển thị trên màn hình di động rất hạn chế.
Quá nhiều nút phải bấm so với một game di động
Lời kết: Liên Minh Huyền Thoại vốn dĩ là một tựa game nổi tiếng cho PC nhưng khi chuyển thể thành Tốc Chiến trên di động thì lại là một dấu hỏi lớn về sự thành công khi trò chơi còn nhiều yếu điểm chí mạng với một tựa game di động. Những vấn đề kể trên không phải là những thay đổi dễ dàng như cân bằng tướng. Chúng ảnh hưởng đến toàn bộ khung thiết kế của trò chơi và nếu không có gì thay đổi, Tốc Chiến khó có thể thành công như người anh em tiền nhiệm.