Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Học nghề phi công ở Việt Nam tốn bao nhiêu tiền?

(Techz.vn) Nhu cầu tuyển dụng cao cùng mức lương hấp dẫn thế nhưng ở Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều phi công. Một phần lý do của việc thiếu phi công là chi phí đào tạo đắt đỏ, khoảng 4 tỷ đồng.

Ngày nay nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không ngày càng lớn. Do đó các hãng hàng không liên tục phát triển và gia tăng số lượng máy bay cũng như tần suất bay. Theo dự báo mới nhất do Boeing công bố hồi đầu tháng 9, số lượng phi công mới mà khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ cần trong 20 năm tới là 244.000 người. Con số này tương ứng với hơn 17.000 máy bay mới được bàn giao cho khu vực này.

Cục hàng không Việt Nam uớc tính trong năm 2023 các hãng hàng không nước ta sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên 360 chiếc. Theo tính toán của Boeing mỗi tàu bay cần khoảng 14 phi công để khai thác. Do đó, tính đến năm 2023 Việt Nam sẽ cần 1.900 phi công, tương đương hơn 400 phi công mỗi năm.

Ảnh minh hoạ. 

Không chỉ các hãng hàng không hiện tại đang có nhu cầu mở rộng các chuyến bay mà nhiều hãng hàng không khác đang chờ cất cánh. Vì vậy nhu cầu về phi công lại càng cao.

Phi công là ngành có thu nhập khá hấp dẫn tại Việt Nam. Theo một số nguồn tin cho biết mức lương khởi điểm thấp nhất của phi công tại Việt Nam không dưới 70 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương khởi điểm và sẽ còn tăng dần theo thời gian.

Và tất nhiên, để trở thành phi công, học viên sẽ phải trải qua quá trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện sau cơ bản gồm huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE (Initial Operating Experience).

Không chỉ cần trải qua quá trình đào tạo khắt khe mà mức học phí học nghề phi công tại Việt Nam cũng rất đắt đỏ. Hiện tại Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt (công ty con của Vietnam Airlines) là đơn vị duy nhất tại nước ta được Cục Hàng không phê chuẩn và tổ chức huấn luyện phi công cơ bản với một số giai đoạn đào tạo trong nước. Số học viên do Bay Việt đào tạo khoảng 100 người mỗi năm.

Học phí của mỗi học viên tại trường Bay Việt khoảng 1,8 tỷ đồng trong khoảng thời gian đào tạo là 18-20 tháng. Chương trình đào tạo được chia thành 3 giai đoạn gồm: Huấn luyện lý thuyết ATP dài gần 24 tuần (trong nước), huấn luyện bay dài 44-52 tuần (ở Mỹ, Australia, New Zealand, châu Âu) và huấn luyện phối hợp tổ bay MCC dài 3 tuần (trong nước). Trong đó giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài tốn nhiều chi phí nhất, khoảng 57.000 – 65.000 USD (tương đương 1,3 – 1,6 tỷ đồng). Mức học phí cho giai đoạn lý thuyết là 134 triệu đồng, còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số lý tưởng cho quá trình đào tạo phi công một cách suôn sẻ. Nếu học viên đó phải học lại một số phân môn thì mức học phí sẽ còn đội lên đáng kể.

Thời gian học cũng có thể thay đổi và kéo dài hơn tuỳ theo khả năng bay của mỗi học viên. Thời tiết cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian học bay kéo dài hơn. Khi gặp thời tiết xấu, máy bay không thể cất cánh, thời gian huấn luyện sẽ dài hơn và học viên đó cũng phát sinh thêm chi phí ăn ở tại nước ngoài.

Cách đây không lâu, Vinpearl Air School của tập đoàn Vingroup đã công bố tuyển sinh 400 phi công khoá 1. Số học viên này sẽ được Vinpearl Air gửi đi đào tạo cơ bản tại các học viên phi công ở Mỹ hoặc ở Úc. Về phần học phí, Vinpearl Air vẫn chưa tiết lộ nhưng được biết mức học phí hỗ trợ tối đa là 50.000 USD/người.

Sau khi tốt nghiệp chương trình huấn luyện cơ bản, nếu muốn trở thành phi công lái tàu bay thương mại, học viên đó sẽ phải học thêm phần huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE. Chi phí huấn luyện sau cơ bản tại hãng hàng không không dưới 1,5 tỷ đồng/người. Như vậy, nếu tính tổng các phần đào tạo để trở thành phi công, mỗi học viên cần đầu tư khoảng 4 tỷ đồng.

 

Vinpearl Air chính thức tuyển sinh phi công, phí đào tạo gần 2,8 tỷ đồng

(Techz.vn) – Mức chi phí đào tạo học viên phi công của Vinpearl Air thấp hơn thị trường 25% và học viên không bắt buộc phải ở lại làm việc cho hãng.