Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Đã đến lúc xã hội Việt Nam thay đổi cách nhìn về thể thao điện tử

(Techz.vn) - Từ lâu, game thủ, streamer không còn là những nghề xa lạ với xã hội. Nhưng với một số người, đặc biệt là các bậc phụ huynh thì game vẫn chưa bao giờ là việc tốt đẹp cả.

Thể thao điện tử là một ngành thể thao rất non trẻ nhưng đang có những bước phát triển như vũ bão trong suốt khoảng 1 thập kỷ trở lại đây. Thực tế, thể thao điện tử có sức hút vô cùng lớn với giới trẻ. Thậm chí có cả những bậc phụ huynh cũng đã tham gia và tận hưởng rồi bị sự hấp dẫn của nó mê hoặc.

Thuật ngữ thể thao điện tử xuất hiện cách đây chừng 10 năm. Nó dùng để miêu tả những môn thể thao xuất phát từ những trò chơi điện tử hàng ngày, được các nhà sản xuất thiết kế để tạo ra sự công bằng nhất cho cả 2 đội đang thi đấu. Trên thế giới hiện nay có những bộ môn thuộc thể thao điện tử rất nổi tiếng, có thể kể đến như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2 hay những trò chơi bắn súng như Counter Strike...

Theo một thống kê, Chung kết thế giới mùa 9 của Liên Minh Huyền Thoại, một giải đấu được xem như "World Cup" của trò chơi này đã thu hút hơn 203 triệu người Trung Quốc theo dõi xuyên suốt cả giải. Tính riêng trận chung kết lại có đến hơn 1,1 triệu người trên toàn thế giới cùng xem. Những con số không bao giờ nói dối, điều đó chứng tỏ sự phổ biến và tầm ảnh hưởng không hề nhỏ của eSport đối với xã hội.

Đừng nghĩ những anh chàng cắm cúi vào màn hình và bàn phím chỉ như những con rô bốt. Trên thực tế họ phải vận dụng đầu óc một cách tối đa để suy nghĩ, tính toán mới có thể giành chiến thắng. Thực tế, để lên trở thành một game thủ chuyên nghiệp, các VĐV sẽ phải đánh đổi rất nhiều. Đó là tuổi trẻ, tương lai, học hành và trên hết là những định kiến từ xã hội, rào cản từ gia đình. Một "thần đồng" của thể thao điện tử Việt Nam, SofM cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và vượt qua hàng loạt định kiến để vươn tầm như ngày nay.

Game đơn thuần thì có thể chỉ dùng để giải trí. Nhưng đến tầm thể thao điện tử thì khác, nó thậm chí còn mang lại nguồn thu khổng lồ cho người chơi nếu họ chứng minh được thực lực. Và thay vì “nướng” tiền vào game, các tuyển thủ eSport ngược lại còn kiếm tiền từ nó.

Số tiền các VĐV kiếm được từ thể thao điện tử cũng biến họ thành tỷ phú. Ở các giải đấu The International của Dota 2, số tiền thưởng thường lên tới 20 triệu USD (gần 500 tỷ đồng) và nó có thể biến một đội vô địch đổi đời trong chớp mắt. Gần đây nhất, team Flash – đại diện Việt Nam đã giành được chức vô địch Liên minh Mobile và nhận được số tiền thưởng khổng lồ lên đến 200.000 USD (4,6 tỷ đồng). Các game thủ không những nuôi được mình mà thậm chí còn nuôi được cả gia đình.

Không chỉ tiền bạc, đam mê, trên thực tế game còn mang lại những điều đặc biệt hơn cả thế. Hãy nhìn lại khoảnh khắc team Flash – đại diện cho Việt Nam nâng cao chiếc cúp vô địch Liên quân Mobile. Cộng đồng mạng không khỏi xúc động, liên tưởng đến những trận đấu cảm xúc của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018. Những cảm xúc mà game mang lại chẳng thua kém gì bóng đá. Các game thủ cũng góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Đi kèm với sự phát triển của thể thao điện tử, những streamer cũng ra đời. Họ phát sóng trực tiếp những trò chơi đến với người xem. Đổi lại, những người này sẽ nhận được nguồn thu nhập từ các nền tảng stream mình dùng như Facebook hay Youtube. Bên cạnh đó, nguồn thu còn đến từ chính những người xem khi các khán giả tặng tiền mặt (donate). Thậm chí thu nhập của những streamer hàng đầu Việt Nam có thể lên đến 7 chữ số chỉ trong một buổi stream vài tiếng. Những Độ Mixi, Chim Sẻ Đi Nắng hay Virrus luôn là những streamer tiêu biểu trong lĩnh vực này và thu nhập của họ có khi còn vượt xa cả những công việc bình thường.

Việt Nam là một trong những quốc gia mà thể thao điện tử rất phát triển. Tuy nhiên xã hội của chúng ta vẫn còn quá nhiều định kiến về việc chơi game. Với nhiều bậc phụ huynh, mọi thứ gắn với game đều mang hình ảnh xấu xí, chẳng có gì tốt đẹp. Họ quá ám ảnh với những tin tức về “ngáo game”, vi phạm pháp luật chỉ vì mê game.

Thiết nghĩ, thay vì cấm cản, kỳ thị game, các bậc phụ huynh nên dạy con cách phân bố thời gian chơi phù hợp, không để nó ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường. Nhìn theo một hướng tích cực, game cũng là một môn thể thao vận dụng đầu óc và chẳng hề “xấu xa” như nhiều người nghĩ. Nói thế không có nghĩa là cổ vũ cho việc chơi game vô tội vạ, các bạn trẻ hãy nhớ rằng mình là người chơi game chứ đừng để game điều khiển lại mình.

 

Việt Nam vô địch Liên quân thế giới, xúc động như U23 ở Thường Châu tuyết trắng

(Techz.vn) - Đánh bại Đài Bắc Trung Hoa với tỷ số sát nút trong chung kết Bo7, đại diện Việt Nam – Team Flash đã xuất sắc lên ngôi vô địch Liên quân thế giới.