(Techz.vn) Cách rao bán mảnh đất khôn ngoan này đã khiến ông lão thu về khoản lợi nhuận gấp nhiều lần chỉ nhờ thay đổi tư duy theo một khía cạnh hoàn toàn khác, đánh vào tâm lý đám đông.
1. Câu chuyện thứ nhất
Tại một vùng đất thịnh vượng nọ ở tiểu bang Hoa Kỳ, có một ông lão sở hữu mảnh đất sân golf với diện tích hơn 40 hecta (tương đương 400.000 mét vuông) nằm ở vị trí cực kỳ đắc địa, giao thông thuận lợi, cảnh quan tươi sáng, lại giữa vùng trung tâm, có đầy đủ các công trình quan trọng phục vụ nhu cầu đời sống xung quanh như siêu thị, bệnh viện, trường học... nên dân cư tập trung đông đúc. Trước khi qua đời, ông lão quyết định muốn bán mảnh đất đi, lấy tiền mặt để chia gia tài cho các con cháu của mình. Sau khi thuê chuyên gia đo đạc và đánh giá, giá trị mảnh sân golf mà ông lão sở hữu được tư vấn ước tính khoảng 200 triệu USD nếu quá trình rao bán thuận lợi.
Nghe vậy, ông lão chỉ gật đầu. Sau một đêm suy nghĩ, ông gọi cậu con trai cả đến và dặn: "Hãy đăng tin công khai lên mạng internet rằng, chúng ta sẽ bán mảnh đất sân golf đó với giá chỉ 200 USD."
Tất cả gia đình đều cực kỳ kinh ngạc. Họ không ngừng nhắc lại lời tư vấn của chuyên gia bất động sản nhưng ông vẫn nhất quyết khăng khăng, không nghe ai cả. Thông tin này cũng nhanh chóng khiến cư dân trong vùng ầm ỹ không ngừng. Họ đua nhau bàn ra tán vào và cho rằng: "Chắc ông cụ già rồi nên lẩm cẩm, thế mà con cháu vẫn còn nghe theo mới nực cười!"
Một mảnh đất trị giá cả gia tài được rao bán công khai với giá chỉ 200 USD khiến mạng Internet bùng nổ, mọi người không ngừng truyền tay nhau. Cả người ở những tiểu bang khác, những vùng miền khác trên nước Mỹ, thậm chí là nhà đầu tư ở các châu lục khác cũng biết tin rồi đua nhau tới nơi này để tranh đoạt cơ hội hiếm có.
Lúc này, ông lão lại đưa ra thêm một thông báo: "Tôi sẽ bán mảnh đất này cho người nào viết một bài tiểu luận giải thích tại sao họ muốn mua và đề ra kế hoạch khai thác sân golf này xuất sắc nhất”. Bên cạnh đó, ông ta đề nghị: "Do có nhiều người quá nên chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi. Ai muốn tham gia chỉ cần nộp 200 USD. Nếu trở thành người thắng cuộc, bạn được nhận quyền sở hữu mảnh đất ngay lập tức mà không mất thêm đồng nào."
Vừa nghe thấy mảnh đất sẽ trở thành giải thưởng của cuộc thi, lại nghĩ con số 200 USD bỏ ra quá nhỏ so với giá trị thực của nó, số người đăng ký tham gia không ngừng tăng lên. Đến cuối cùng, có tổng cộng 20.000 bài tiểu luận được gửi về cho ông lão. Lấy 200 USD nhân với 20.000 người, các con trai của ông cuối cùng đã nhận ra, họ không hề lỗ mất đồng nào từ việc bán đất mà còn kiếm lời gấp đôi so với giá trị ước tính ban đầu!
Ở rất nhiều thời điểm, chúng ta lại có thể kiếm lời dễ dàng hơn từ những điều nhỏ nhặt chứ không phải tổng thể to lớn.
2. Câu chuyện thứ hai
Ở Ấn Độ, một ngôi làng nhỏ nằm ở vùng ngoại ô xa xôi thường gặp sự cố mất điện kéo dài hàng giờ đồng hồ. Tình trạng này khiến các chủ cửa hàng địa phương gặp rắc rối rất lớn vì không có đủ nguồn điện dự phòng cần thiết để tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Nếu tự mua và lắp đặt máy phát điện tại cửa hàng thì ngay cả chiếc rẻ nhất cũng có giá 440 USD, mức giá không hề phải chăng đối với tình hình làm ăn và thu nhập ở vùng hẻo lánh này. Chính vì vậy, mỗi khi mất điện, họ buộc phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa không buôn bán được gì và tìm mọi cách để giữ hàng hóa trong kho lạnh không bị hỏng quá nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập cá nhân nói riêng và kinh tế của cả khu vực nói chung.
Trong lúc mọi người bất lực chịu đựng, một đại lý của công ty điện máy Nhật Bản đã đưa ra giải pháp bất ngờ. Họ triệu tập 20 chủ cửa hàng trong vùng lại, đề nghị mỗi người chỉ cần chi 22 USD mỗi tháng vào một tài khoản quỹ chung. Đến khi quỹ chung có đủ 440 USD thì sẽ lấy ra để mua một máy phát điện cỡ nhỏ. Mỗi tháng sau đó, 20 chủ cửa hàng cùng nhau rút thăm để xem ai may mắn được đưa chiếc máy ấy về sử dụng. Với điều kiện tiên quyết là tất cả mọi người đều đóng quỹ đều đặn, không vì mình đã có máy sử dụng mà ngừng nộp tiền thì chỉ sau 20 tháng, cả 20 cửa hàng trong khắp vùng ngoại ô này đều đã được trang bị một máy phát điện cho riêng mình.
Đề xuất này nhanh chóng được các chủ cửa hàng tán thành. Thay vì chi một lúc 440 USD, mỗi tháng họ chỉ cần trích ra một phần rất nhỏ, mà lại tránh được tình trạng mất điện, gây khó khăn trong làm ăn. Bên cạnh đó, chính công ty điện máy cũng góp phần mở rộng thị trường và gia tăng nguồn thu nhập mới với những đối tượng khách hàng vốn không đủ khả năng để mua.
Ở đây, đại lý đã rất thông minh khi chọn cách "chia nhỏ" để bán được hết hàng mà vẫn làm khách hài lòng.
Trong cuộc sống cũng vậy, khi đối mặt với một vấn đề lớn cần giải quyết, chia nhỏ mục tiêu chính là lựa chọn tốt nhất. Vị diễn giả động lực nổi tiếng người Mỹ và cũng là tác giả hơn 70 cuốn sách phát triển bản thân - Brian Tracy đã viết rằng: "Làm thế nào để ăn hết một con voi? Câu trả lời là chúng ta cần ăn từng miếng một". Biết cách chia nhỏ, tận dụng ưu điểm riêng của từng khía cạnh để giải quyết sẽ khiến vấn đề tổng thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Theo: Trí Thức Trẻ
Làm ít, chơi nhiều nhưng vẫn thành công: Hóa ra đây là lý do người Pháp có triết lý làm việc "khác người" nhưng khiến thế giới thán phục đến thế!
(Techz.vn) Dù nghỉ nhiều nhưng Pháp vẫn có năng suất làm việc thuộc hàng đầu trên thế giới.