Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Donald Trump lập luật chơi mới, đại gia Việt thời cơ trăm năm có một

(Techz.vn) Tỷ phú USD số 1 Phạm Nhật Vượng cũng nhiều đại gia Việt đã xoay chuyển nhanh trong bối cảnh thế giới thay đổi chóng mặt, không bỏ qua thời cơ trăm năm có một.

Hồi tháng 8/2018 của Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tuyên bố tham vọng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đang dần trở thành hiện thực.

Chia sẻ trên báo chí gần đây, Phó Chủ tịch Vingroup bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, VinSmart đang khởi công nhà máy điện thoại 100 triệu máy/năm, hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G. Trong giai đoạn đầu, Vinsmart lắp đặt máy móc để sản xuất 30 triệu máy/năm, chuẩn bị sản xuất máy tính bảng và nghiên cứu sản xuất điều hoà tivi, tủ lạnh, camera.

Đây là một bước đi cụ thể tiếp theo sau khi Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng dồn dập triển khai kế hoạch tấn công vào lĩnh vực công nghệ. Riêng mảng điện thoại thông minh, Vingroup đã cho lên kệ nhiều mẫu Vsmart và cũng đã phân phối ra nước ngoài, cụ thể là tại thị trường Tây Ban Nha. Cứ điểm sản xuất điện thoại là tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Quyết định chuyển cốt lõi kinh doanh sang công nghệ được xem là con đường nhanh nhất để một doanh nghiệp bứt phá, ghi dấu ấn trên trường quốc tế, thậm chí được xem là cách duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá của bất kỳ nền kinh tế nào.

Ông Phạm Nhật Vượng

Trên thế giới, cuộc chiến công nghệ cũng đang diễn ra khốc liệt. Căng thẳng về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong một năm qua cũng có nguyên nhân từ vấn đề công nghệ. Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ và cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Nhiều năm gần đây, Mỹ được cho là chậm chân trong việc phát triển các công nghệ chiến lược để cạnh tranh với nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực AI và 5G. Trong khi đó, Trung Quốc dồn những khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực này và đã thu được kết quả ấn tượng. Nó giúp Bắc Kinh đẩy mạnh phát triển kinh tế cũng như hiện đại hóa quân sự. 

Hồi cuối tháng 2, ông Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp thúc đẩy Mỹ theo đuổi các nghiên cứu nâng cao năng lực trí tuệ nhân tạo nhằm duy trì sự thống trị về quân sự và kinh tế của nước này. Ông Trump quyết đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua AI, trong bối cảnh Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc dẫn đầu trong lĩnh vực AI vào năm 2030.

Tại Việt Nam, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ-công nghiệp từ 2017 và dự kiến hoàn thành kế hoạch này trong vào năm 2028. Tuy nhiên, quá trình này có thể nhanh hơn trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi chóng mặt và chính phủ Việt Nam có chủ trương lấy công nghệ làm bàn đạp để tạo nên sự thay đổi bước ngoặt cho nền kinh tế đất nước.

Hơn thế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, khi ông Trump đánh thuế Trung Quốc, hàng loạt các tỷ phú công nghệ đang có những động thái chạy vào Việt Nam như Apple, Intel, Amazon,...

Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn, mỗi một tác động trên thế giới đều có thể ảnh hưởng nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có nhiều cơ hội, thu hút các dòng tiền đổ vào. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đón nhận những dự án có hàm lượng công nghệ cao và giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước.

Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đã vươn lên và khẳng định được vị trí của mình như VNG (chủ Zalo), FPT, Tiki, CMC, Viettel,...

Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ như Vingroup và Viettel... cũng mang lại niềm tin cho giới đầu tư. Theo một thỏa thuận gần đây, Vingroup và Viettel sẽ hợp tác nhằm khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng của mỗi bên cũng như hỗ trợ nhau cùng mở rộng và phát triển các lĩnh vực hoạt động.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu Việt Nam tiếp tục khởi sắc nhờ những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô nội tại cho đến những cơ hội mà Việt Nam có thể có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên 115.300 đồng/cp. Bộ 3 cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng đồng loạt tăng điểm giúp sắc xanh thị trường được củng cố vững chắc.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và blue-chips khác cũng tăng ấn tượng như  BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Vinamilk, VietJet, Petrolimex, Masan, Vincom Retail,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường có thể tăng tiếp nhưng đơn vị này vẫn duy trì quan điểm thận trọng, để ngỏ khả năng các phiên tăng điểm hiện tại của thị trường vẫn chỉ là nhịp hồi mang tính kỹ thuật.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/5, VN-Index tăng 10,3 điểm lên 975,64 điểm; Hnx-Index tăng 0,74 điểm lên 106,43 điểm và Upcom-Index tăng 0,33 điểm lên 55,47 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,7 ngàn tỷ đồng.

Theo: Vietnamnet 

 

Âm thầm xây dựng hệ thống, tỷ phú Phạm Nhật Vượng độc chiếm số 1

(Techz.vn) Thế lực của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn là số 1 với những cú thâu tóm đình đám và những dự án mang lại mạng lưới khổng lồ, vô đối trong bản đồ bán lẻ.