Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

TS Nguyễn Sĩ Dũng: "Thu phí BOT như kiểu trấn lột"

(Techz.vn) TS Nguyễn Sĩ Dũng- Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng không ít người dân chỉ đi qua trạm thu phí mà không đi trên đường nhưng vẫn phải nộp phí.

TS Nguyễn Sĩ Dũng:

Phát biểu tại tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển tổ chức ngày 8/9, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đang tồn tại tình trạng "thu phí BOT như kiểu trấn lột", không ít người dân chỉ đi qua trạm thu phí mà không đi trên đường nhưng cũng phải nộp phí. 

Ngoài ra, theo ông, một bất cập nữa hiện nay là tình trạng chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu cho các dự án BOT. Nhà đầu tư muốn vốn đầu tư cao, muốn chi phí lớn, chi ra càng nhiều thì thu nhiều. Muốn kéo dài thời hạn thu phí để thu thêm. Luật cho phép thu đủ gốc, đủ lãi, đồng thời Nhà nước dễ chấp nhận những phương án đề xuất của nhà đầu tư. 

"Trung cuộc đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi, chỉ rủi ro nhanh chậm. Nếu có tiêu cực, tham nhũng thì cực kỳ lãi. Trong khi người dân nghèo cũng phải trả giá khi các khoản chi phí tăng lên", ông Dũng nói. Cũng theo ông, dù người dân trả phí bảo trì đường bộ rồi nhưng ở nhiều dự án BOT, nhà đầu tư chỉ cần láng lại đường là có thể thu phí. Những bất cập đó ông cho rằng cần phải xem xét lại một cách minh bạch. 

Ông Nguyễn Phước Thọ, nguyên Tổng lãnh sự quán tại Lào cho biết ở Thái Lan các trạm BOT thường đặt trên những tuyến đường riêng, chất lượng cao, dành cho những người sẵn sàng chi tiền để được đi lại thuận lợi hơn. Ở mỗi tuyến đường này đều có cảnh báo, người nào muốn đi nhanh hơn thì vào tuyến đường đó. Tuy nhiên, họ cũng duy trì song song tuyến đường thông dụng để mọi người dân đi qua mà không thu phí.  

"Ở Việt Nam thì một số khu vực chỉ có tuyến đường đó và mọi phương tiện phải đi vào nên buộc phải mất phí", ông Thọ nói. 

Một số chuyên gia tại buổi tọa đàm cho rằng, hiện nhiều nhà đầu tư BOT "tay không bắt giặc” bởi cơ chế ưu đãi chỉ định thầu. Doanh nghiệp không cần kinh nghiệm, vốn hay chuyển giao công nghệ. Sau khi vào được dự án, hầu hết vốn sẽ đi vay, thực hiện thì thuê đơn vị thi công. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao được tham gia vào dự án là xong. Còn vốn đầu tư đã có nhà nước và các ngân hàng lo. Ông lấy dẫn chứng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Tình trạng này theo ông làm giảm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và méo mó nền kinh tế.

Sau khi đã được tham gia dự án, nhà đầu tư BOT lại tiếp tục chọn nhà thầu bằng phương pháp chỉ định. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ đẩy chi phí đầu tư lên càng cao càng tốt để kéo dài thời gian thu phí. Vì thế mới có chuyện các cơ quan chức năng sau khi kiểm tra một loạt dự án PPP  đã giảm được hơn 100 năm thu phí. 

Một trong số nguyên nhân của những bất cập trên theo các chuyên gia tham dự tọa đàm là do sự thiếu minh bạch về đấu thầu, tài chính... trong đầu tư các dự án. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội dẫn chứng một điều trong quy định nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng là phải bảo mật các thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật, công nghệ... Theo ông, điều này trái với Quyết định của Bộ Chính trị về phản biện xã hội bởi đây là hợp đồng kinh tế. 

Ông Nguyễn Việt Bắc, Giám đốc Công ty TAVIBA cho rằng, để tránh những rủi ro, trước mắt, Chính phủ nên nhanh chóng tổ chức đấu thầu lại giá thu phí.  

"Hiện nay chỉ một nhóm người thỏa thuận với nhau về giá thu, thời gian thu để cho toàn dân phải chịu. Họ làm một đồng họ khai 3 vì họ được tự ý khai vốn, tự ý lập dự án đầu tư, tự ý tất cả”, ông Bắc nói và cho biết thêm, sau khi đấu thầu xong thì áp dụng ngay việc thu phí không dừng để tránh rủi ro như chuyện nộp phí bằng tiền lẻ. 

"Các Bộ, ngành cũng nói các dự án mới sắp tới chắc chắn phải đấu thầu nhưng nếu chỉ có một nhóm người trong cơ quan nhà nước biết với nhau thì không hiệu quả. Đấu thầu thì phải công khai để các doanh nghiệp đều biết", ông Bắc cho hay, đồng thời cho rằng, doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô nhỏ là chính nên các gói thầu BOT nên được chia nhỏ để nhiều đơn vị có thể tham gia, đồng thời đảm bảo cạnh tranh minh bạch. Sau khi đấu thầu tổng mức đầu tư, đến giai đoạn 2 là đấu thầu về mức thu phí. 

Việc đấu thầu nếu thực hiện, theo các chuyên gia tham dự tọa đàm cần công khai thực chất chứ không phải "quân xanh, quân đỏ" để vẫn rơi vào các công ty sân sau. Muốn làm được vậy, phải giao cho một tổ chức độc lập, không cùng lợi ích để lập dự án, đồng thời có sự phản biện của người dân, giới chuyên gia. 

Riêng với vấn đề vốn, nhà đầu tư BOT muốn tham gia dự án phải có 70-80%, không được tính lãi vay vào dự án, nếu không lại xảy ra tình trạng "mỡ nó rán nó" và hậu quả là người dân phải chịu trách nhiệm. 

Theo Vnexpress.

 

Đừng vội xuống tiền mua ô tô lúc này, giá xe sẽ còn giảm nữa

(Techz.vn) Vào đầu tháng 9/2017, các DN ô tô lại đua nhau đại hạ giá, khuyến mãi khủng. Người tiêu dùng ngơ ngác, không biết điều gì đang diễn ra trên thị trường ô tô. Có khách hàng than thở như bị mất của vì trót mua xe sớm.