Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Đối tác “bắt tay” với doanh nghiệp Việt xây dựng sân bay Long Thành là ai?

(Techz.vn) Đối tác Trung Quốc được Geleximco nhắc tới trong đề xuất đầu tư, xây dựng sân bay Long Thành chưa từng có kinh nghiệm làm sân bay.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) cùng đối tác Trung Quốc đã gửi văn bản đến Thủ tướng muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tập đoàn này cho hay sẽ bắt tay với Tập đoàn Năng lượng mới Kaidi Dương Quang của Trung Quốc thực hiện dự án này.

Lãnh đạo Geleximco cũng nhấn mạnh đối tác của doanh nghiệp - tập đoàn Kaidi Dương Quang là đơn vị có kinh nghiệm triển khai, xây dựng và quản lý đầu tư các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông. Thế nhưng, thực tế tập đoàn đến từ Trung Quốc lại được biết tới chủ yếu trong lĩnh vực điện, nhiệt điện.

Được thành lập năm 1992, Kaidi Dương Quang tên đầy đủ là Tập đoàn năng lượng mới Kaidi Dương Quang (Sunshine Kaidi New Energy Group Co., Ltd) có trụ sở tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tập đoàn này được biết tới là nhà xây dựng các dự án điện, nhiệt điện và cung cấp các hợp đồng tổng thầu EPC quy mô lớn liên quan tới điện. Ngoài ra, Kaidi còn hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh khối, điện sinh khối, bảo vệ môi trường, các dự án kỹ thuật quy mô lớn.

Đối tác “bắt tay” với doanh nghiệp Việt xây dựng sân bay Long Thành là ai?

 Geleximco đang đề xuất cùng đối tác Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành. 

Lịch sử hoạt động của Kaidi chưa từng ghi nhận có kinh nghiệm trong xây dựng sân bay, nhất là sân bay quốc tế lớn. Kaidi Dương Quang chủ yếu và có thế mạnh trong xay dựng các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc và một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Sau khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu mạnh tay với các nhà máy nhiệt điện ô nhiễm, Kaidi dần hướng việc đầu tư vào các công trình nhiệt điện sử dụng công nghệ mới, thân thiện và bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, Kaidi Dương Quang là cái tên được biết tới từ năm 2004 phần nhiều trong lĩnh vực năng lượng, nhiệt điện. Từng tham gia một số dự án nhà máy nhiệt điện tại khu vực phía Bắc, như nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam), Cẩm Phả 3, Hải Dương… nhưng phải tới nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh) do Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư, Kaidi mới bắt đầu ghi dấu ấn trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Với Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền, Kaidi Dương Quang từng bắt tay làm tổng thầu cho dự án nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh) do Geleximco đầu tư.

Tuy vậy, chỉ 2 trong số các dự án mà Kaidi Dương Quang đã tham gia tại Việt Nam là nhà máy nhiệt điện Mạo Khê đã vận hành năm 2014 và Thăng Long vừa hòa lưới điện quốc gia tháng 5/2017, còn lại hầu hết chậm tiến độ thi công.

Chưa từng ghi nhận có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng tại cuộc gặp lãnh đạo Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, ông Trần Nghĩa Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Năng lượng mới Kaidi Dương Quang bày tỏ tham vọng lấn sân sang đầu tư một số dự án lĩnh vực giao thông ở Việt Nam. Ông Long cho biết, Kaidi và Hoa Dung cùng một đối tác Việt Nam đã thành lập quỹ đầu tư quốc tế quy mô vốn 15 tỷ USD để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, trong đó có các dự án điện, hạ tầng giao thông... Vị  này khẳng định “đã bố trí sẵn sàng nguồn vốn, nếu được tham gia sẽ tiến hành thi công ngay”.

Trong diễn biến liên quan, đối tác của Kaidi Dương Quang tại Việt Nam - ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cũng nhấn mạnh, với kinh nghiệm xây dựng, quản lý và thu xếp vốn, sân bay Long Thành sẽ đảm bảo tiến độ với thời gian xây dựng vận hành từ 3 đến 5 năm, giá thành đầu tư thấp nhất.

Hiện còn quá sớm để nói về việc lựa chọn liên danh giữa doanh nghiệp trong nước và Trung Quốc tham gia xây dựng sân bay Long Thành, tất cả mới chỉ là đề xuất của phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại và cho rằng cần thận trọng khi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, bởi đã có những bài học nhãn tiền tại nhiều dự án hạ tầng giao thông có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc hầu hết là chậm tiến độ, đội vốn hàng tỷ USD như trường hợp đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một điển hình.

Trả lời VnExpress tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra, Thứ trưởng Giao thông vận tải Đặng Ngọc Đông khẳng định, hoan nghênh mọi nhà đầu tư quan tâm tới dự án xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, ông Đông cho biết, hiện dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành mới đang ở giai đoạn chọn tư vấn để lập dự án nghiên cứu khả thi, chưa tới giai đoạn chọn nhà đầu tư.

“Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được cấp có thẩm quyền thông qua, khi đó dự án mới có những yếu tố cụ thể về nguồn vốn cũng như xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Việc lựa chọn nhà đầu tư sau này sẽ được thực hiện trên cơ sở hồ sơ thầu công khai, minh bạch”, ông Đông trấn an.

 Theo: VnExpress.vn 

 

Doanh nghiệp Việt đề xuất cùng Trung Quốc xây sân bay Long Thành

(Techz.vn) Geleximco có khả năng sẽ hợp tác với đối tác Trung Quốc cùng xây dựng sân bay Long Thành nếu kiến nghị này được lãnh đạo cũng như các cơ quan chức năng phê duyệt.