Họ ngày càng trở nên quen thuộc với các tên tuổi nội địa như Huawei, Oppo, Xiaomi. Điều đó khiến cho việc thuyết phục họ gắn bó với mức giá cao ngất của iPhone trở nên khó hơn bao giờ hết.
Đây là thách thức không nhỏ tại thị trường quan trọng thứ hai đối với Apple sau Mỹ. Những thương hiệu nội địa ngoài việc bắt kịp tiến bộ công nghệ còn biết chiều lòng thị hiếu khách hàng, chẳng hạn khả năng dùng 2 SIM. Huawei, Xiaomi và có thể là Vivo đều không e dè trước công ty Mỹ mà áp dụng chiến thuật tung sản phẩm đón đầu sự kiện 12/9.
Chuyên gia phân tích Kiranjeet Kaur của hãng nghiên cứu IDC nhận định bộ ba smartphone Trung Quốc có thể vượt mặt Apple trong phân khúc 500 USD ngay cả khi Apple vẫn duy trì thế thống trị ở phân khúc trên 600 USD. Ông cũng không kỳ vọng tăng trưởng lớn vì thị trường Trung Quốc đã bão hòa. Doanh số iPhone tại đây đã giảm 6 quý liên tiếp.
Dù vậy, Apple đang đặt nhiều tham vọng vào chiếc iPhone thay đổi lớn nhất trong thời kỳ hậu Steve Jobs với model đắt nhất lên tới 1.000 USD. Trong sự kiện tới đây, công ty được cho là sẽ giới thiệu một loạt iPhone mới bên cạnh Apple TV và Apple Watch.
Trong khi chờ đợi iPhone ra mắt, Apple đã tung ra iOS 11 từ mùa hè với các tính năng đặc biệt dành cho Trung Quốc. Nó bao gồm ứng dụng ảnh có khả năng quét mã QR để thanh toán, bàn phím nhập tiếng Trung dễ hơn và ứng dụng bản đồ hiển thị các địa điểm giao thông.
iPhone tiếp tục là điện thoại bán chạy nhất thế giới và được ca ngợi về sự kết hợp hoàn hảo giữa phần cứng và phần mềm. Hệ sinh thái iOS đã khiến hàng triệu người không thể thoát ra khỏi thế giới của Apple. Với nhiều người Trung Quốc, sở hữu chiếc iPhone mới cứng vẫn là một biểu tượng xã hội.
Tuy vậy, điện thoại Trung Quốc hiện đã giành lợi thế không chỉ nhờ vào tính năng mà còn ở tốc độ cập nhật sản phẩm liên tục, đẩy Apple xuống vị trí thứ 5. Doanh thu tại thị trường, bao gồm cả Hng Kong và Đài Loan, giảm 10% trong quý gần nhất.
Xiaomi đang cho thấy dấu hiệu hồi phục sau doanh số tồi tệ nhất trong lịch sử 7 năm. Công ty được mệnh danh “Apple Trung Quốc” sẽ ra mắt Mi MIX 2 chỉ một ngày trước iPhone mới. Thiết bị sử dụng thân máy bằng gốm và màn hình không viền. Dòng sản phẩm MIX cho thấy khao khát khám phá các thiết kế mới của Xiaomi.
Huawei – công ty nổi tiếng vì luôn muốn qua mặt Samsung, Apple – chuẩn bị ra Mate 10 tràn viền vào tháng tới. Mẫu flagship của hãng trang bị camera do Leica thiết kế và chip Kirin 970. CEO Guo Ping tự hào vì Huawei là hãng đầu tiên giới thiệu công nghệ camera kép và được các đối thủ khác học tập. Ông cho rằng Apple là công ty mà họ tôn trọng nhưng Huawei cũng có nhiều sáng tạo.
Ngay cả Vivo, người chơi “nhỏ con” nhất trong nhóm, cũng ám chỉ sẽ cho ra thiết bị viền siêu mỏng mới nhưng không rõ thời điểm nào.
Với tin đồn iPhone dự kiến khan hàng trong đợt đầu mở bán, các đối thủ Trung Quốc của Apple có thể tận dụng cơ hội để lôi kéo người dùng. Vũ khí của họ bao gồm những tính năng tập trung vào người dùng bản địa như SIM kép, bộ nhớ khổng lồ và camera selfie.
Giám đốc Counterpoint Research Tarun Pathak nhận định sự tăng trưởng của các thương hiệu Trung Quốc không thể bị xem nhẹ. Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi đều tiếp cận thành công các đối tác cung ứng lớn, cho phép họ trình làng thiết kế không viền, thực tế ảo, chip tự phát triển và camera tiên tiến để giữ thế trận. Ngoài ra, không thể không nhắc đến tinh thần dân tộc của người Trung Quốc.
Ngược lại, thời gian gần đây hình ảnh của Apple cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt vấn đề. Dịch vụ iTunes Movie và iBooks bị đóng cửa năm ngoái. Năm 2013, công ty phải xin lỗi sau khi đài truyền hình quốc gia CCTV chỉ trích dịch vụ khách hàng của mình.
Canalys dự đoán doanh số iPhone tại Trung Quốc tăng 1,4% lên 22,5 triệu máy trong nửa cuối năm 2017. Mẫu iPhone đắt giá nhất có thể đẩy người dùng về phía các thương hiệu nội vì ngay cả những khách hàng giàu có nhất cũng rất nhạy cảm với giá. “Không phải người dùng cao cấp nào cũng sẵn sàng chấp nhận mức giá trên 8.000 tệ. Thực ra, không nhiều người đủ khả năng mua nó”.